Cuộc đời Trần_Thực

Thực xuất thân thấp kém; từ nhỏ, ngay cả trong lúc vui chơi, ông cũng được mọi người ủng hộ. Thiếu thời Thực làm Lại của huyện, từng một dạo quản lý nô bộc, sau làm đến Đô đình [2] tá. Thực có chí, lại hiếu học, đứng hay ngồi đều đọc sách không nghỉ. Huyện lệnh Đặng Thiệu Thí nói chuyện với Thực, lấy làm lạ, bèn cho phép ông gia nhập Thái học. Sau đó Thực nhận lệnh trở lại làm Lại, bèn lánh ẩn trong vùng núi Dương Thành. Khi ấy có kẻ giết người, người cùng huyện là Dương Lại nghi ngờ Thực, nên huyện bắt giữ ông, nhưng tra xét không đúng sự thật, nên được trở ra. Đến khi Thực được làm Đốc bưu, bèn ngầm bày với viên Lệnh của huyện Hứa, dùng lễ triệu Dương Lại; xa gần nghe được, đều thán phục ông.

Thực vì hoàn cảnh nghèo khó, phải trở lại làm Tây Môn đình trưởng của quận, sau đó chuyển làm Công tào. Khi ấy Trung thường thị Hầu Lãm gởi gắm với thái thú Cao Luân, khiến Luân cho người của ông ta nhận chức Văn học duyện; Thực biết kẻ ấy không xứng chức, mà Luân không thể trái ý Lãm, nên gởi thư cho Luân, đề nghị lấy danh nghĩa của chính mình tiến cử kẻ ấy, tránh tổn hại uy tín của Luân, Luân nghe theo. Vì thế người trong quận lấy làm lạ về việc Thực tiến cử nhầm người, nhưng Thực rốt cục không nói ra. Về sau Luân được chinh làm thượng thư, sĩ đại phu trong quận đưa tiễn ở truyền xá (tương tự công quán), Luân mới tiết lộ sự tình, ai nghe đều than thở, do vậy mọi người khâm phục đức hạnh của Thực.

Tư không Hoàng Quỳnh chọn lựa nhân tài trị lý, bổ Thực làm Văn Hỷ (huyện) trưởng, nhưng chưa đến một tháng, ông phải rời chức chịu tang. Sau khi Thực trở lại thì được thăng làm Thái Khâu trưởng. Thực chủ trưởng giáo hóa đức nghĩa, cai trị thanh tĩnh, trăm họ nhờ vậy được an cư lạc nghiệp. Dân chúng huyện láng giềng kéo sang nương nhờ, Thực liền dạy dỗ giải thích, khiến họ quay về. Có người đến kiện cáo, đòi giam cầm người ta. Thực nói: “Tố tụng là để tìm công bằng, đạo lý nào lại giam cầm người ta như vậy? Chớ yêu cầu bắt giữ người ta.” Thượng cấp nghe được thì than rằng: “Trần quân nói như vậy, há còn có kẻ oán ghét người ta ư?” Vì thế kẻ ấy cũng không kiện cáo nữa. Sau đó Thực cho rằng nước Bái thu thuế trái phép (huyện Thái Khâu thuộc nước Bái), bèn cởi ấn thụ mà đi, quan dân đều thương nhớ ông.

Vạ đảng cố lần thứ nhất nổ ra (166), Thực bị liên đới. Phần nhiều những người gặp cảnh ngộ này thì bỏ trốn, Thực nói: “Tôi không vào ngục, người ta biết cậy vào ai!?” Bèn xin chịu tù giam, sau đó nhờ đại xá mà được trở ra.

Đầu thời Hán Linh đế (168), Đại tướng quân Đậu Vũ vời Thực làm Duyện thuộc. Bấy giờ Trung thường thị Trương Nhượng quyền khuynh thiên hạ, vào lúc Nhượng tổ chức tang lễ của cha ở quê nhà (Nhượng cũng là người quận Dĩnh Xuyên như bọn danh sĩ Lý Ưng, Tuân Thục,... và Thực), dẫu cả quận đến viếng, lại chẳng có danh sĩ nào, Nhượng rất lấy làm sỉ nhục, riêng Thực một mình đến viếng. Trong năm ấy, vạ đảng cố lần thứ 2 nổ ra, bọn hoạn quan sát hại giới sĩ phu, Nhượng nhớ ơn cũ, nên nhiều lần bảo vệ Thực.

Thực ở quê nhà, giữ thái độ công chánh mà làm người. Hễ có tranh tụng, người ta liền cầu Thực phân xử, đều được ông làm sáng tỏ là cong hay thẳng, khiến họ quay về không thể oán thán. Đến nỗi có kẻ than rằng: “Thà chịu hình phạt, còn hơn bị Trần quân chỉ ra lỗi lầm.”

Dương Tứ (杨赐, cha của Dương Bưu) làm đến Thái úy, Trần Đam (陈耽) làm đến Tư đồ, mỗi lần thăng tiến, được đồng liêu chúc mừng, thường than rằng Thực chưa có địa vị xứng đáng, lấy làm thẹn vì ở trước ông. Đến khi vạ đảng cố mới giải trừ, Đại tướng quân Hà Tiến, Tư đồ Viên Ngỗi sai người khuyên Thực, muốn đặc cách cho ông vị trí cao. Thực bèn cảm tạ sứ giả rằng: “Thực đã lâu không nghĩa đến việc đời, chỉnh sửa khăn áo để đợi chết mà thôi.” Bấy giờ vị trí tam công mỗi khi thiếu người, mọi người lại nhắc đến Thực; ông nhiều lần được chinh triệu, nhưng không nhận lời, đóng cửa treo xe, không rời nhà.

Năm Trung Bình thứ 4 (187), Thực mất tại nhà, hưởng thọ 84 tuổi. Hà Tiến sai sứ đến viếng, người trong nước tìm đến hơn 3 vạn, kẻ mặc tang phục có đến vài trăm, cùng nhau xẻ đá lập bia, đặt thụy là Văn Phạm tiên sanh.